Giải pháp quản lý bán hàng

Danh sách các mặt hàng tạp hóa

25/02/2020
Hường Nguyễn

Mô hình kinh doanh tạp hóa đang ngày càng phát triển và phổ biến thời gian gần đây, không chỉ ở thành thị mà cả ở nhiều vùng nông thôn. Với các cửa hàng khi bắt đầu kinh doanh, việc lên kế hoạch về danh sách các mặt hàng tạp hóa là điều cần làm ngay sau khi đã có vốn và địa điểm kinh doanh. Dưới đây, Thiết Bị Bán Hàng sẽ gợi ý cho các chủ shop danh mục các mặt hàng tạp hóa phổ biến để các bạn tham khảo.

I. Cửa hàng tạp hóa bao gồm những mặt hàng gì?

Thông thường, tùy theo quy mô mà một cửa hàng tạp hóa thường có khoảng vài trăm đến vài ngàn mặt hàng để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Do đó, trước khi nhập hàng bạn cần phải lên các đầu danh mục các mặt hàng tạp hóa phổ biến cần mua. Dưới đây, chúng tôi sẽ giả định quy mô đầu tư về nhập hàng hóa của shop là trên dưới 200 triệu đồng, cụ thể như sau:

1. Thực phẩm, đồ uống

Thực phẩm, đồ uống là mặt hàng không thể thiếu tại cửa hàng tạp hóa. Thực phẩm, đồ uống thường có giá trị nhỏ, chủ yếu bán lẻ.

Ưu điểm: Không yêu cầu cao về phương thức bảo quản.

Hạn chế: Cần chú ý về hạn sử dụng.

Các loại thực phẩm, đồ uống thông dụng:

– Các loại đồ uống: Bia, rượu, nước ngọt, sữa nước và sữa bột, các loại trà (túi lọc, trà hòa tan, trà khô,…).

– Các loại đồ ăn nhanh: Bim bim, bánh, kẹo…

– Các loại đồ ăn lạnh: Sữa chua, kem…

– Thực phẩm khô: Mì tôm, phở, miến, bánh đa, nguyên liệu khô (nấm, mộc nhỉ…), cá khô, mực khô, thịt bò khô nguyên liệu khô (mộc nhĩ, hành, tỏi,…).

– Thực phẩm đóng hộp: như pate, xúc xích, thịt xay,…

– Gia vị: Bột canh, bột nêm, mì chính, nước mắm, xì dầu,…

– Lương thực: gạo, khoai mì, ngô,…

Ngoài ra, bạn có thể nhập đồ tươi về bán, nhưng cần chú ý đến vấn đề bảo quản. Bên cạnh đó, một số thức uống giải khát và đồ ăn lạnh cũng nên cũng nên để trong tủ lạnh, phục vụ nhu cầu khách hàng trong những ngày nắng nóng.

Tiền vốn dự kiến: 50 triệu đồng.

Các mặt hàng thực phẩm được mua nhiều nhất

2. Khăn giấy, giấy vệ sinh, tã em bé

Các sản phẩm mẹ và bé thường mang lại lượng khách hàng ổn định cho cửa hàng. Đặc điểm của mặ hàng này là tiêu hao nhanh, phải mua liên tục nên đem lại nguồn thu nhập đều đặn cho cửa hàng. Do đó, trước khi nhập giấy ăn, giấy ướt, giấy vệ sinh, tã em bé… chủ shop cần cần tìm hiểu về nhu cầu, thói quen, lứa tuổi… của khách hàng ở khu vực cửa hàng để lựa chọn thương hiệu phù hợp, giá sản phẩm bình dân hay cao cấp. Giai đoạn đầu nên nhập mỗi thứ một ít, sau đó chọn lại và nhập những mặt hàng mà nhu cầu người dân sử dụng lớn nhất.

Tiền vốn dự kiến: 50 triệu đồng.

3. Hóa mỹ phẩm

Trong danh mục hóa mỹ phẩm, các sản phẩm bạn cần quan tâm đó là sữa tắm, dầu gội, xà phòng, nước xả vải, dầu rửa chén, nước lau nhà… Bạn cần lưu ý đến hạn sử dụng đối với mặt hàng này, đồng thời cần nhập đa dạng nhiều thương hiệu để thỏa mãn nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng.

Tùy vào việc khảo sát xung quanh khu vực cửa hàng mà bạn có thể ra quyết định về nhập hàng sao cho hợp lý. Nếu có nhiều phụ nữ, bà nội trợ gia đình thì nên tập trung tăng vốn để đa dạng hóa cho các mặt hàng này và ngược lại.

Tiền vốn dự kiến: 30 triệu đồng.

4. Văn phòng phẩm

Một trong những mặt hàng quan trọng nữa của tiệm tạp hóa là các đồ dùng văn phòng phẩm như: Bút, vở học sinh, sổ ghi chép, bảng, hồ sơ xin việc, mực…

Văn phòng phẩm không cần quá nhiều vốn và quá đa dạng về thương hiệu. Người mua chủ yếu quan tâm đến công năng sử dụng của sản phẩm là chính. Trước mắt, chủ shop nên đầu tư vào các sản phẩm nhỏ như bút, vở, tẩy, giấy A4… để đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng.

Tiền vốn dự kiến: 10 triệu đồng.

Bạn nên thống kê danh sách mặt hàng tạp hóa thành bảng chi tiết

5. Đồ sinh hoạt cá nhân

Các đồ dùng sinh hoạt cá nhân có thể kể đến như: Dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, áo mưa, vải mưa, bao bì túi đựng… Đây không phải là sản phẩm có sức tiêu thụ quá lớn nhưng cần phải có để tạo thêm một phần doanh thu cho cửa hàng.

6. Thẻ cào điện thoại

Thẻ cào điện thoại là sản phẩm không có lãi nhiều, tuy nhiên sẽ giúp thu hút thêm lượng khách hàng đến với cửa hàng của bạn, từ đó phát sinh thêm nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng khác.

Tiền vốn dự kiến: 20 triệu đồng.

7. Một số mặt hàng khác

Những mặt hàng khác sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu của khách hàng hằng ngày đến mua hàng. Nếu bạn được nhiều khách hàng tại khu vực xung quanh cửa hàng hỏi nhiều lần về một mặt hàng nào đó thì bạn cũng nên tìm nhập về, có thể là hoa quả, thậm chí là các vật liệu sắt, thép, đinh, búa hoặc quần áo bảo hộ...

Những mặt này không cần quá nhiều vốn nhưng sẽ giải quyết được nhiều nhu cầu khác nhau cho khách hàng, thậm chí sau này có thể trở thành một mặt hàng mang lại doanh thu cao cho cửa hàng của bạn.

II. Danh sách các mặt hàng tạp hóa bán chạy nhất 2010 - 2019

Trong 10 năm triển khai dự án lớn nhỏ cho hơn 700 siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc, Thiết Bị Bán Hàng có nhiều số liệu thống kê tương đối về danh sách các mặt hàng tạp hóa bán chạy nhất trong 10 năm qua. Bạn có thể tham khảo xu hướng tiêu dùng danh mục các mặt hàng tạp hóa bán chạy nhất sau đây:

1. Đồ uống giải khát

Đồ uống giải khát là mặt hàng có khả năng tiêu thụ rất mạnh vào mùa hè và đồng đều giữa các lứa tuổi. Có thể nói, đồ uống mang lại phần doanh thu không nhỏ trong tổng doanh thu của cả cửa hàng. Hầu hết người tiêu dùng sẽ lựa chọn một nhóm loại thức uống nào đó để thỏa mãn nhu cầu của mình. Ví dụ như người lớn sử dụng bia, rượu; trẻ em thích các loại nước ngọt, sữa; các loại trà phong phú dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau…

Đây là mặt hàng có nhiều chủng loại, thương hiệu và nhóm hàng khác nhau, bạn nên thống kê lựa chọn các thương hiệu được nhiều khách hàng sử dụng trên mọi nhóm tuổi, phân khúc khác nhau.

Mẫu bảng thống kê danh sách mặt hàng tạp hóa excxel

2. Đồ ăn nhanh

Theo các số liệu được thống kê thì đồ ăn nhanh thường là mặt hàng mang lại doanh thu nhiều nhất cho cửa hàng. Các mặt hàng ăn nhanh thường được ưa chuộng là bim bim, bánh, kẹo, mỳ gói… vì chúng là nhu cầu rất thiết yếu trong cuộc sống hiện đại

Đối với mặt hàng ăn nhanh, bạn cần đáp ứng đủ nhu cầu các thương hiệu nổi tiếng và liên tục cập nhật các loại mặt hàng, thương hiệu mới để đa dạng hóa lĩnh vực bán hàng, quảng bá sản phẩm mới bằng trưng bày ở giá kệ nổi bật. Các thương hiệu mới với chất lượng tốt sẽ liên tục đẩy mạnh lại doanh thu cho cửa hàng của bạn.

3. Hóa mỹ phẩm

Mỹ phẩm thường được chia thành 2 loại là cao cấp và bình dân. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu kinh doanh bạn nên tập trung vào các sản phẩm bình dân vì đại bộ phận người mua không có xu hướng mua mỹ phẩm cao cấp tại cửa hàng tạp hóa. Họ sẽ tìm đến những cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm riêng để lựa chọn sản phẩm tốt nhất. Do đó, bạn nên nhập các sản phẩm như dầu gội, dầu xả, sữa tắm, mỹ phẩm… phù hợp với túi tiền của đại bộ phận khách hàng.

4. Hàng tiêu dùng thiết yếu, văn phòng phẩm

Các loại hàng tiêu dùng thiết yếu như: dạo cạo râu, xà bông, kem đánh răng… thường có biên độ lợi nhuận không cao, nhưng luôn có nhu cầu sử dụng thường xuyên của đại bộ phận khách hàng. Là cửa hàng kinh doanh tạp hóa, điều bạn cần là tần suất ghé qua cửa hàng của khách hàng và định vị trong họ rằng bạn cung cấp tất cả nhu cầu họ cần. Do đó, đầu tư vào hàng tiêu dùng thiết yếu rất có ý nghĩa đối với cửa hàng trong việc thu hút khách hàng tiềm năng.

Tương tự đối với văn phòng phẩm phục vụ cho học sinh, sinh viên và dân văn phòng luôn có lượng tiêu thụ khá lớn. Học sinh, sinh viên liên tục hết thế hệ này đến thế hệ khác luôn luôn có nhu cầu cao đối với mặt hàng này.

Nước ngọt, nước giải khát luôn có doanh số tiêu thụ ấn tượng hàng năm

5. Thẻ điện thoại

Nếu xét trong phạm vi 10 năm từ 2010 – 2019 thì thẻ cào điện thoại luôn có doanh số tiêu thụ rất cao. Tuy nhiên, với sự phát triển chóng mặt thời gian gần đây thì người dùng có nhiều phương án hơn trong việc nạp thẻ điện thoại như ngân hàng, ví điện tử tiện dụng và nhiều ưu đãi hơn. Vì vậy, trong tương lai thẻ điện thoại sẽ không còn là mặt hàng có lượng tiêu thụ lớn nhưng ở một số vùng nông thôn thì vẫn có thể có được lượng doanh thu tương đối và giúp tăng lượng khách hàng thường xuyên cho cửa hàng.

6. Mặt hàng gia vị

Bột canh, bột nêm, mì chính, nước mắm, xì dầu…Các loại mặt hàng thường được tìm kiếm trong mọi cửa hàng, bạn cần đảm bảo cung cấp hầu hết các loại sản phẩm trên với thương hiệu phổ biến. Khách hàng chắc chắn sẽ rất phiền nếu như cửa hàng của bạn thiếu một gia vị nào đó mà phải sang cửa hàng thứ hai để mua.

7. Hàng gia dụng, đồ chơi

Đây là một trong những nhóm hàng mang lại lợi nhuận cao nhất nhưng việc đầu tư một số lượng sản phẩm nhất định cũng khá tốn kém. Với quy mô là một cửa hàng tạp hóa, bạn không nên ôm đồm quá nhiều mặt hàng gia dụng hay đồ chơi kích thước lớn.

Người tiêu dùng thường có xu hướng tìm tới các siêu thị điện máy nhiều hơn là tới hàng tạp hóa để mua máy lạnh, TV,… Hãy đầu tư kinh doanh các mặt hàng cơ bản và có kích thước nhỏ nhất như: bếp gas, bếp từ, bếp điện, bàn là, xoong nồi, ấm siêu tốc,…

Trên đây là danh mục các mặt hàng tạp hóa phổ biến và một vài thông tin về lượng tiêu thụ các mặt hàng tạp hóa hiện nay. Việc đầu tư một cửa hàng tạp hóa thực tế không hề đơn giản vì ngoài ra bạn còn cần phải tìm địa điểm, thuê nhân viên, nghiên cứu phương án quản lý sản phẩm, cửa hàng; kiểm kê hàng hóa, tái đầu tư… Do đó, ngay từ ban đầu, bạn cần phải nghiên cứu các mặt hàng thật nghiêm túc, tham khảo bảng báo giá các mặt hàng tạp hóa của nhiều đơn vị để tìm được chiến lược phát triển có lợi nhất. Chúc các chủ shop thành công!